Cách viết performance review "chuẩn bài"
Để những công sức của chúng ta được ghi nhận
Mỗi năm, các doanh nghiệp thường tổ chức đánh giá hiệu quả làm việc (performance review) ít nhất một lần, nhiều công ty làm hai lần.
✅ Performance review, về mặt lý tưởng, sẽ đem lại một số lợi ích như sau:
Là dịp để nhân viên chứng tỏ năng lực của bản thân với các cấp quản lý bên trên, qua đó có thể được thăng cấp (promote).
Là dịp để nhìn lại những điểm tốt và chưa tốt của mỗi cá nhân trong thời gian đã qua.
Là dịp để mỗi cá nhân đặt mục tiêu cho khoảng thời gian sắp tới.
❌ Lý thuyết là vậy nhưng thực tế thì cho thấy:
Nhiều nhân viên cảm thấy việc làm performance review là một việc chiếu lệ.
Cấp quản lý thì cảm thấy rất tốn thời gian vì phải viết đánh giá cho nhân viên.
Xảy ra nhiều bất đồng liên quan đến việc thăng cấp.
Nguyên nhân về sự khác biệt giữa lý thuyết và thực tế thì có cả khách quan lẫn chủ quan. Những nguyên nhân khách quan thì tôi sẽ không bàn đến trong bài viết này, vì đó là những thứ chúng ta không thể kiểm soát.
Nguyên nhân chủ quan, phần lớn đến từ cách viết performance review quá sơ sài hoặc chưa thể hiện được hết những gì bạn đã làm. Bạn muốn được promote, nhưng khi viết performance review bạn lại không thể hiện được vì sao bạn xứng đáng với chuyện đó.
Đừng cho rằng sếp phải biết tất cả. Sếp cũng như bao nhân viên, họ cũng có những công việc riêng và không thể nào nắm rõ và nhớ được toàn bộ những đóng góp của ta. Ngoài ra, performance review còn được đọc và duyệt không chỉ bởi manager trực tiếp, mà còn là những manager ở cấp trên nữa.
Do đó viết performance review sao cho “chuẩn bài” là một việc rất cần thiết.
📈 Sử dụng delta
Giả sử, trong phần tự đánh giá, bạn có ghi có một thành tích như sau:
Cải thiện tốc độ của API backend bằng cách đánh thêm index trong database.
“Cải thiện” là một từ rất chung chung. Nó mang nghĩa tích cực, nhưng không cụ thể.
Ừ thì có cải thiện, vậy là tốt, nhưng có rất nhiều cách có thể cải thiện tốc độ của API mà, tại sao lại chọn đánh thêm index? Và cải thiện cụ thể là như thế nào, bao nhiêu phần trăm?
Giờ thử viết lại câu trên như sau:
Tăng tốc độ của API backend lên 25% giảm từ 3 giây xuống còn 2,25 giây bằng cách đánh thêm index trong database.
Có thể thấy sự cải thiện đã được thể hiện rất rõ ràng bằng các con số. Và chỉ đánh thêm index mới cho ra được kết quả như vậy!
Bạn để ý sẽ thấy mấu chốt ở đây là sử dụng delta để thể hiện kết quả:
Before: 3 giây
After: 2,25 giây
Delta: 25%
⭐️ Sử dụng STAR model
Dùng kĩ thuật delta đã giúp bản performance review của ta trở nên thuyết phục hơn rất nhiều rồi. Tuy nhiên nó chỉ trả lời cho câu hỏi “how”, mà chưa trả lời được cho câu hỏi “why”.
Tưởng tượng, nếu một manager không làm việc trực tiếp với bạn, và đọc bản review của bạn. Họ sẽ hỏi, ủa, có vấn đề gì mà lại phải đi cải thiện tốc độ API? Hay họ sẽ thắc mắc rằng bạn đã tiếp cận vấn đề như nào để cho ra kết quả đó?
STAR model có thể giúp cho người manager kia trả lời được những câu hỏi.
STAR model viết tắt của 4 từ:
👀 Situation: Mô tả ngắn gọn tình huống mà bạn đã gặp phải. Cung cấp đủ thông tin để người nghe hiểu bối cảnh và thách thức mà bạn đang đối mặt
🎯 Task: Giải thích rõ ràng nhiệm vụ mà bạn được giao hoặc mục tiêu mà bạn cần đạt được trong tình huống đó.
🔨 Action: Chia sẻ những hành động cụ thể mà bạn đã thực hiện để giải quyết tình huống và hoàn thành nhiệm vụ. Nêu bật các kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm mà bạn đã sử dụng.
👉 Result: Giải thích kết quả của những hành động bạn đã thực hiện. Nhấn mạnh những thành tựu đạt được và tác động tích cực mà bạn đã tạo ra.
Giờ thử viết lại câu ở phần trên theo STAR model xem sao nhé!
Situation: Nhiều khách hàng phàn nàn rằng việc truy cập vào trang quản lý sản phẩm bị chậm.
Task: Tìm nguyên nhân vì sao website chậm, và tìm cách khắc phục.
Action:
Thực hiện monitoring thời gian response time của các API khi vào website.
Tiến hành profiling API có thời gian response time lớn nhất.
Đánh index cho bảng product.
Tiến hành thực hiện performance testing sau khi đánh index.
Result: Tăng tốc độ của API backend lên 25% từ 3 giây xuống còn 2,25 giây.
Với cách viết này, không những manager có thể hiểu được vì sao bạn làm việc này, mà anh ấy còn có thể hiểu được các bước hoặc cách thức mà bạn đã thực hiện để đưa đến kết quả cuối cùng.
📝 Viết nhật ký công việc
Tôi thấy nhiều người hay phàn nàn rằng, làm sao mà nhớ được trong năm vừa rồi mình đã làm những gì để mà viết!? Chính bản thân tôi cũng đã từng thắc mắc như thế.
Nhưng kể từ khi áp dụng viết nhật ký công việc, tôi đã có một nơi để xem lại toàn bộ những công việc mà mình đã làm.
Cách viết thì tuỳ thuộc mỗi người. Chẳng hạn như tôi thì sẽ viết vào một file Google Docs. Chia thành các tuần. Trong mỗi tuần sẽ ghi lại chi tiết các công việc đã làm, cách thức làm, các khó khăn và cách giải quyết.
Không chỉ là nguồn tài liệu cho performance review, nhật ký công việc còn là nơi lưu tri thức, có thể sử dụng lại sau này.
📢 Weekly shoutouts
Kể từ bài viết tuần này, tôi sẽ thêm một mục mới, đó là “📢 Weekly shoutouts”. Ở mục này tôi sẽ đính kèm những bài viết thú vị mà tôi đã đọc được trong tuần. Hi vọng đây cũng là nguồn để bạn tiếp cận thêm được những bài viết chất lượng.
Cái sự học Java: OOP và Access Modifier by ThanhGou on 1% - Bài viết chi tiết và dễ hiểu về chủ để lập trình hướng đối tượng.
Ngành ngân hàng by Vũ Anh on Intelligent Investors - Bài viết tổng hợp về ngành ngân hàng ở Việt Nam trong đầu tư chủ động.
✌️ Tạm biệt
Chủ đề của tuần này kết thúc ở đây. Hẹn gặp lại độc giả vào giờ này tuần sau. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về bài viết, hãy để lại bình luận ở bên dưới nhé. Bạn cũng có thể kết nối với tôi thông qua LinkedIn hoặc Twitter.