Từ trước đến nay tự học luôn được coi là một trong những kĩ năng quan trọng nhất mà mỗi người cần phải có. Ý thức được điều đó, bản thân tôi cũng đã đầu tư rất nhiều thời gian cho việc tự học.
Học đi đôi với hành, nhưng “hành” ra sao thì có muôn vàn phương pháp. Dưới đây là những phương pháp mà tôi đang dùng mỗi ngày.
Space Repetition
Trong tiếng Trung có một câu ngạn ngữ như thế này: “好记住不如烂笔头”. Dịch ra là, một trí nhớ tốt không bằng một cây bút (lông) bị tà đầu bút. Cây bút bị tà ngụ ý cho việc người học chữ luyện tập nhiều đến nỗi cây bút bị cùn đầu, bị toè ngòi. Cả câu hàm ý chỉ những người học chữ dù có trí nhớ tốt thế nào, thông minh ra sao, thì cũng không lại những người chăm chỉ viết đi viết lại cho nhớ.
Hiệu quả của việc học lặp lại để đưa kiến thức từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn đã được khoa học chứng minh từ lâu. Tuy nhiên cuộc sống hiện đại ngày nay chúng ta phải học nhiều thứ, trong khi thời gian thì luôn có hạn. Theo một nghiên cứu của tạp chí NewYork Time vào năm 2011 cho biết, trung bình một người mỗi ngày phải tiêu thụ lượng thông tin lên tới 34 Gigabytes! Số lượng thông tin đó tương đương với việc đọc 174 tờ báo, và cao gấp 5 lần so với năm 1986. Đó là các con số của hơn 1 thập kỉ trước, tôi tin ngày nay lượng thông tin ấy còn lớn hơn gấp nhiều lần. Vậy liệu có phương pháp nào giúp cho việc học lặp lại vẫn hiệu quả mà vẫn tiết kiệm thời gian nhất có thể? Câu trả lời đó là phương pháp Space Repetition.
Vẫn là lặp lại, nhưng thay vì lặp lại một cách liên tục, Space Repetition sẽ dãn dần thời gian học lại một cách khoa học dựa vào việc bạn đã nhớ kiến thức đó đến mức độ nào. Ví dụ, nếu ta mới học một chữ Hán mới, Space Repetition sẽ dùng thuật toán để giúp ta gặp chữ này với tần suất nhiều lần trong những ngày đầu tiên. Sau đó khi ta đã quen dần, tần suất gặp lại sẽ dãn ra, có thể là 3 ngày, 15 ngày, hay nhiều tháng nhiều năm nếu ta đã thực sự nhớ nó. Space Repetition đảm bảo cho bạn số lần học là ít nhất và nhưng vẫn đem lại hiệu quả cao nhất.
Flashcard là một công cụ hiện thực hoá phương pháp Space Repetition. Trong những phần mềm Flashcard, Anki là phần mềm phổ biến nhất và cũng là phần mềm tôi sử dụng để học mỗi ngày.

Hình trên trên là danh sách những thứ mà tôi đang học. Học tiếng Anh, tiếng Trung. Học thi chứng chỉ AWS, học thi chứng chỉ Linux Foundation, vv. Tất tần tật những gì cần phải ghi vào trí nhớ dài hạn (long-term memory) thì sẽ xuất hiện trong phần mềm Anki này.
Giá mà hồi còn đi học ai đó chỉ cho tôi biết về Space Repetition, có lẽ tôi đã có nhiều thời gian đi chơi điện tử hơn mà không sợ bị điểm kém.
Second Brain
Space Repetition sẽ giúp ta nhớ. Second Brain sẽ giúp ta quên đi.
Tại sao lại nói là “quên đi” mà không phải là “quên”? Quên đi ý muốn nói là chúng ta không cần phải nhớ tất cả thông tin, mà sẽ có một hệ thống khác nhớ thay cho ta. Việc ta cần làm là biết cách để tìm lại thông tin đó.
Một báo cáo từ Tổ chức Dữ liệu Quốc tế (International Data Corporation) cho biết, 26% thời gian làm việc hàng ngày của một nhân viên văn phòng được dùng để tìm kiếm thông tin. Và còn ngạc nhiên hơn nữa khi tỉ lệ tìm kiếm thành công chỉ là 56%. Nói cách khác, chúng ta đi làm năm ngày mỗi tuần, nhưng trung bình lại dành hơn một ngày để chỉ tìm kiếm thông tin liên quan để thực hiện công việc. Trong gần nửa thời gian đó, chúng ta thậm chí còn tìm không ra thông tin. Quả là một sự lãng phí lớn.
Second Brain được phát triển để giải quyết vấn đề nêu trên.
Second Brain hoạt động dựa trên nguyên tắc 4 bước cơ bản: CODE (Capture - Organize - Distill - Express)
Capture
Cũng giống như phương pháp Getting Things Done của David Allen, bước đầu tiên của Second Brain là capture thông tin. Bất cứ khi nào nảy ra một ý tưởng gì trong đầu, khi gặp một bài viết có tiêu đề thú vị, hay đang đọc sách thì thấy một ý hay, bạn hãy capture thông tin đó lại.
Hãy dùng bất kể phần mềm nào miễn là chúng dễ dàng cho việc ghi chú. Hiện giờ tôi đang sử dụng 2 công cụ để capture thông tin, đó là Google Docs và SubStack. Một số người khác thì dùng Notes của iPhone, hay dạo mấy năm gần đây thì có Notion, Obsidian. Bạn hãy thử trải nghiệm để xem thích phần mềm nào nhất nhé.
Organize
Sau khi capture được thông tin, việc tiếp theo cần làm là tổ chức thông tin đó vào đúng nơi, đúng chỗ.
Tôi quản lý thông tin theo dạng các thư mục trên Google Drive, mỗi thư mục thể hiện một khía cạnh của cuộc sống.

Một cách quản lý khác được khuyến khích hơn là chia thư mục thành các project mà bạn đang có. Ví dụ bạn đang có mấy project như là: viết sách, làm video, đi phỏng vấn, vv. Thì mỗi khi có thông tin liên quan bạn sẽ organize vào đúng project đó.
Distill
Sau khi thông tin được để vào đúng nơi của nó, việc tiếp theo ta cần làm là chắt lọc lấy những key takeaways. Bên dưới là một ví dụ mà tôi đã làm. Sau khi Capture và Organize một video trên Youtube, tôi đã thực hiện Distill bằng cách chọn lọc ra các ý chính mà tôi thấy có giá trị trong video. Việc tổng hợp này giúp cho trong tương lai khi cần dùng đến thông tin này, tôi sẽ biết được nội dung chính của video mà không cần phải xem lại.
Express
Đây là bước cuối cùng cũng là bước quan trọng nhất trong 4 bước của Second Brain. Theo đó, những kiến thức mà bạn thu nhặt, tổng hợp được sẽ chỉ có giá trị khi bạn “spread it out”, tức là lan toả đến mọi người xung quanh. Còn không, kiến thức đó sẽ mãi chỉ là thứ nằm trong mấy phần mềm của bạn, và đến một ngày nào đó khi bạn không còn cần nữa, các kiến thức ấy cũng mất hết giá trị.
Có rất nhiều cách để chia sẻ kiến thức đến với thế giới, bạn hãy đọc phần dưới để biết rõ hơn nhé.
Way of creating knowledge
Hình bên trên thể hiện các level của việc tổng hợp kiến thức theo thứ tự tăng dần về độ khó. Level càng cao càng khó thực hiện, nhưng bù lại là bạn càng làm chủ được lượng kiến thức đó.
Seeing
Quá trình học là quá trình nhận ra cái mà ta không biết, luyện tập cái ta đã biết, và thành thục cái mà ta đã luyện tập. Bước đầu tiên trong quá trình đó là làm sao để nhận ra cái mà ta không biết. Ngoài những phương pháp cơ bản như đọc sách, học khoá học, còn có những phương pháp hiệu quả khác như:
Switching contexts: làm việc ở nhiều team khác nhau, với vai trò khác nhau, thậm chí tại nhiều địa điểm khác nhau.
Getting feedback: hỏi đồng nghiệp bạn bè về những thứ mà bạn đang làm để họ cho phản hồi.
Writing
Như tôi đã nói nhiều lần, viết mà một phương pháp tốt cho việc phát triển ý tưởng, bởi khi viết bạn buộc phải sắp xếp lại dòng suy nghĩ sao cho rõ ràng, mạch lạc. Muốn bắt đầu viết bạn có thể tham khảo một số cách như sau:
Taking good notes: không nên đọc, xem mà không làm gì cả. Hãy take notes, để chí ít não của ta cũng không bị buồn ngủ.
Highlighting and underlining: lúc đọc sách mà gặp điều gì thú vị hãy gạch chân hoặc nếu bạn đọc trên kindle hay app đọc sách, hãy highlight những ý hay.
Sharing on social media: Khi bạn thấy điều gì mới mẻ với bạn, hãy chia sẻ lên mạng xã hội, có thể là twitter, có thể là facebook, hoặc một forum nào đó, miễn là ở đó có người thấy chia sẻ của bạn.
Nói riêng về phần Taking Notes, bản thân tôi có áp dụng dưới dạng lưu trữ references. Giả sử tôi đang muốn học và tìm hiểu về Devops, bước đầu tiên cần làm là lên Google Drive tạo một file docs và lưu trữ tất cả những đường link mà tôi cảm thấy có giá trị vào trong file đó.

Drawing
Vẽ là một hình thức cao cấp hơn nữa của việc lĩnh hội kiến thức. Người phương Tây có câu “A picture is worth a thousand words”, ý muốn nói việc diễn đạt bằng hình ảnh sẽ đem lại hiệu quả cao hơn nhiều so với chữ viết.
Các hình thức của việc drawing có thể kể đến như:
Making sketch notes: phương pháp này đòi hỏi bạn là một người thích vẽ và vẽ tốt. Nhưng bù lại những thứ mà bạn vẽ ra sẽ in sâu vào trong trí nhớ.
Making drawings, diagrams: Sử dụng những tool như draw.io hay mind mapping sẽ giúp ta nhìn được bức tranh toàn cảnh của vấn đề.
Creating a slide presentation: Để dòng suy nghĩ được mạch lạc, tạo slide cũng là một cách hữu hiệu.
Performing
Level tiếp theo của việc học là performing, tức là bạn mang kiến thức mà bạn học được đi nói cho người khác. Việc này không những đòi hỏi bạn phải hiểu kiến thức mà còn phải hiểu sâu. Các hình thức performing có thể kể đến như:
Recording a video: Hãy record lại video bạn giải thích một chủ đề nào đó rồi upload lên Youtube, Facebook, vv.
Đi thuyết trình ở các buổi meetup hoặc conferences. Những buổi đó thường sẽ cần tìm speaker, bạn hoàn toàn có thể đăng kí.
Producing
Selling
Và cảnh giới cao nhất của việc lĩnh hội kiến thức là bạn có thể làm ra và bán được sản phẩm cho người khác. Việc producing & selling cũng thể hiện bạn đã hiểu vấn đề, bạn có giải pháp cho vấn đề, và khách hàng công nhận giải pháp của bạn bằng cách trả tiền cho bạn. Một ví dụ về producing & selling như:
Làm sản phẩm rồi bán. Bên ngành IT có một bộ phận nhỏ những người rất tài năng, họ làm ra những phần mềm giải quyết một vài vấn đề rất cụ thể rồi bán ra thị trường. Nhóm người đó hay được gọi là indie hackers. Họ là những người không những hiểu rõ thứ họ làm, mà còn là hiểu rõ thứ mà người khác cần.
Bán khoá học.
Viết sách hoặc mở các dịch vụ tư vấn (consulting).
Trong các phương pháp ở trên hiện giờ tôi mới dừng lại ở mục 3 - drawing. Sẽ thật tuyệt nếu trong tương lai tôi có thể thực hiện được các mục số 4, 5 và 6.
Kết luận
Phía trên là ba trong số rất nhiều phương pháp nâng cao kĩ năng tự học mà tôi đang áp dụng cho bản thân. Khi cần đưa thông tin vào trí nhớ dài hạn, tôi dùng Space Repetition. Khi cần lưu trữ thông tin cho việc sử dụng về sau, tôi dùng Second Brain. Khi cần làm chủ kiến thức, tôi sử dụng Ways of Creating Knowledge.
Còn bạn thì sao, bạn có đang sử dụng phương pháp học nào khác không? Nếu có hãy comment bên dưới bài viết để chúng ta cùng thảo luận nhé.
Cảm ơn anh, bài viết rất hay và thực tế ạ