Được làm ở công ty mình yêu thích là chuyện khó. Ra quyết định rời khỏi công ty đó còn khó hơn.
Nghỉ việc chưa bao giờ là chuyện dễ dàng với bất kỳ ai. Cá nhân tôi cũng phải trải qua cảm giác ấy hai lần vào năm 2018 và 2021. Nhớ về những giai đoạn đó, tôi thấy có rất nhiều yếu tố chi phối quyết định nghỉ việc của bản thân. Nhưng dường như tôi đã quá đề cao một vài yếu tố, mà quên đi hoặc đánh giá thấp những yếu tố quan trọng khác.
Để sai lầm đó không lặp lại trong tương lai, tôi đã tự xây dựng cho bản thân một framework có tên “Nghỉ việc framework” (bạn bấm vào đường dẫn để ra file Google Spreadsheet nhé).
Để xây dựng ra được framework bên trên, tôi làm theo ba bước như sau:
Bước 1: Xác định những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quyết định nghỉ việc
Bước 2: Đánh trọng số cho các yếu tố
Bước 3: Định kì đánh giá, chỉnh sửa, và bổ sung cho framework
Bước 1: Xác định những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quyết định nghỉ việc
Mỗi cá nhân mỗi hoàn cảnh, vì thế mà yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quyết định nghỉ việc cũng khác nhau. Với cá nhân tôi, tôi bị ảnh hưởng bởi các nhóm yếu tố sau:
Benefits (đãi ngộ)
Grow opportunities (cơ hội phát triển)
Culture (văn hoá công ty)
Work-life balance (cân bằng cuộc sống - công việc)
Feeling (cảm giác)
Benefits (đãi ngộ)
Đối với những người trẻ như tôi, đãi ngộ tốt luôn là một trong những yếu tố then chốt trong việc quyết định đi hay ở một công ty. Đãi ngộ bao gồm:
Salary (lương thưởng): Trong cuốn sách “Drive: the Surprising Truth About What Motivates Us”, tác giả Danial Pink cho rằng việc được trả lương thưởng tương xứng với năng lực là yếu tố kiên quyết để giúp cho một nhân viên yên tâm làm tốt công việc của họ.
Time Flexibility (thoải mái về mặt thời gian): Do từ trước giờ tôi đều làm việc ở những công ty thoải mái về mặt thời gian nên đây cũng là yếu tố rất quan trọng với tôi.
Other benefits (các phúc lợi khác): Công ty có đóng bảo hiểm trên lương đầy đủ không, có hỗ trợ học phí học tập hay không, vv. (Với các bạn nữ thì tôi thấy các bạn ấy rất quan tâm đến chế độ thai sản).
Grow opportunities (cơ hội phát triển)
Quan trọng tương đương với đãi ngộ là cơ hội phát triển bản thân. Với tôi, các yếu tố then chốt trong mục này là:
Functional skills (kĩ năng chuyên môn): Với tôi, trong khoảng thời gian này của sự nghiệp, kĩ năng chuyên môn vẫn là yếu tố có vai trò rất quan trọng. Tôi quan niệm rằng sẽ không thể là một người lãnh đạo tốt, nếu chưa từng là một nhân viên giỏi.
Leadership (cơ hội lãnh đạo): Có cơ hội lãnh đạo sẽ giúp chúng ta tạo ra được nhiều ảnh hưởng hơn, do đó nâng cao được giá trị bản thân hơn.
Ownership (khả năng tự chủ): Tôi muốn được làm chủ những công việc của bản thân, hoặc có càng ít sự phụ thuộc vào bên thứ ba càng tốt.
Culture (văn hoá công ty)
Trong mục này tôi có ba yếu tố then chốt:
Manager (sếp): tôi có cảm thấy thoải mái với người sếp hiện tại của mình hay không.
Co-worker (đồng nghiệp): đồng nghiệp có vui vẻ hoà đồng, có cùng chung chí hướng hay không.
Job chores (việc nhàm chán): làm việc trong một tổ chức sẽ không thể tránh khỏi việc phải dành thời gian cho những việc mà tôi cảm thấy là có phần nhàm chán như họp hành, báo cáo. Tôi cần xác định xem mình có chấp nhận được những đánh đổi này hay không.
Work-life balance (cân bằng cuộc sống - công việc)
Cuộc sống có nhiều khía cạnh. Ví dụ như tôi rất thích thể thao, hay thích nghiên cứu rồi viết lách. Nên nếu công việc nào mà dành mất thời gian các hoạt động đó của tôi thì đó sẽ làm một điểm trừ lớn. Tôi thấy có hai yếu tố chính trong mục này:
Overtime (làm ngoài giờ): công việc có yêu cầu phải làm ngoài giờ nhiều hay không.
Location (vị trí): nếu là làm việc onsite, thì tôi có mất nhiều thời gian để di chuyển từ chỗ tôi ở đến nơi làm việc hay không.
Feeling (cảm giác)
Cuối cùng là yếu tố vô cùng quan trọng: cảm giác. Những lần nghỉ việc trước, tôi hầu như chỉ dựa vào yếu tố này. Cảm giác giống như mẩu giấy quỳ tím, giúp tôi nhận ra rằng mình có đang ba “dơ” hay không. ôi chia cảm giác thành ba yếu tố nhỏ hơn như sau:
Proud (tự hào): tôi có cảm thấy tự hào với những gì mà công ty đang làm hay không.
Confident (tự tin): tôi có cảm thấy tự tin nói với mọi người rằng tôi đang làm ở công ty này hay không. Hoặc tôi có tự tin để giới thiệu một người bạn của tôi vào làm việc ở công ty hiện tại hay không.
Instinct (trực giác): trực giác là thứ nằm trong vô thức, được “lập trình” cả triệu năm. Do đó, trực giác đánh giá không tốt, thì rất có thể là đang có vấn đề.
Bước 2: Đánh trọng số cho các yếu tố
Không phải yếu tố nào cũng quan trọng như nhau. Lấy ví dụ phần growth opportunities, thời điểm hiện tại tôi quan trọng việc được phát triển phần functional skills hơn so với việc phát triển kĩ năng leadership.
Do đó tôi cần đánh trọng số dựa trên độ ưu tiên của từng yếu tố, sao cho khi cộng tổng các trọng số, ta được 100%. Bạn có thể mở file Google Spreadsheet ra xem cho dễ hình dung nhé.
Bước 3: Định kì đánh giá, chỉnh sửa, và bổ sung cho framework
Giống việc khám sức khoẻ hàng năm, tôi cũng thực hiện đánh giá độ hạnh phúc của mình với công việc hiện tại hàng quý. Đồng thời tôi cũng chỉnh sửa lại framework để thêm / bớt yếu tố, cũng như chỉnh lại phần trọng số sao cho phù hợp với nhu cầu của bản thân.
Mỗi một yếu tố sẽ được đánh giá trên thang điểm từ 0-10. Điểm số cuối cùng sẽ là trung bình của trọng số nhân với điểm của từng yếu tố. Kết luận cuối cùng được đưa ra dựa trên thang điểm bên dưới.
Kết luận
Framework bên trên là một công cụ đắc lực giúp tôi nhận ra những vấn đề một cách sớm nhất có thể, từ đó có những hành động kịp thời để khắc phục. Nếu sau khi đánh giá, tôi thấy điểm đang ở vùng warning, tôi có thể có những hành động như ngồi với manager để thảo luận về phương hướng. Còn nếu tình trạng dangerous diễn ra một thời gian 1-2 quý liên tiếp mà không thể khắc phục, có lẽ đây sẽ lúc quyết định nghỉ việc được cân nhắc tới.
✌️ Tạm biệt
Chủ đề của tuần này kết thúc ở đây. Hẹn gặp lại độc giả vào giờ này tuần sau. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về bài viết, hãy để lại bình luận ở bên dưới nhé. Bạn cũng có thể kết nối với tôi thông qua LinkedIn hoặc Twitter.
Thức sự thiết thực cho vấn đề hiện tại của em. Em cảm ơn anh Khánh