Cuốn chiếu là làm việc gì xong việc đó, rồi chuyển hẳn sang làm việc khác.
Trong phát triển phần mềm, mô hình Waterfall hiểu nôm na cũng là cuốn chiếu.
Tuy Waterfall không còn hợp thời đại, nhưng tinh thần cuốn chiếu vẫn là thứ có giá trị.
Tôi thường áp dụng tinh thần cuốn chiếu vào công việc hàng ngày, đặc biệt là các công việc ở trên công ty.
Sau một thời gian đi làm, tôi đúc kết ra được một nhận định sau. Nếu việc tôi làm có thể “deliver” ra được thứ gì đó, tôi thường thấy rất vui. Ngược lại, những việc cứ lan man, lai rai từ ngày qua tháng nọ thì thường gây cảm giác rất mệt mỏi.
Vậy nên dạo gần đây, tôi luôn cố gắng tìm ra được “thứ gì đó” của việc mà tôi đang làm, và cố gắng mỗi ngày “deliver” được cái thứ đó. Tôi gọi tinh thần này là tinh thần cuốn chiếu.
Bên dưới là phương pháp mà tôi đã áp dụng.
Xác định mục tiêu rõ ràng
Mỗi ngày đi làm, tôi xác định thật rõ là trong ngày hôm nay tôi sẽ làm được cái gì. Thứ mà tôi sẽ “deliver” là gì. Làm sao để những người có liên quan biết được, đọc được, dùng được.
Ví dụ hôm nay tôi xác định rằng tôi sẽ cần làm xong tính năng hỗ trợ scaling kafka bằng keda. Thứ mà tôi deliver là một bản hướng dẫn các bạn dev dùng tính năng đó. Tôi sẽ báo cho những người liên quan bằng cách post lên trên Slack channel, tag @all, và xin nhận feedback.
Phân chia mục tiêu thành đầu việc nhỏ hơn
Xác định xong mục tiêu, tôi bắt đầu chia thành các đầu việc nhỏ.
Càng nhỏ càng tốt.
Công việc của tôi thường xuyên bị interrupt bởi người khác. Sau khi xong những việc đó và quay lại việc cũ, tôi thường mất ít nhiều thời gian để nhớ lại đang làm đến đâu.
Việc chia thật nhỏ công việc giúp tôi giảm thiểu được thời gian “reload” đó.
Ngoài ra việc chia nhỏ đầu việc cũng giúp tôi sử dụng Pomodoro dễ hơn.
Siêu Focus với Pomodoro
Tôi dùng timer trên đồng hồ đeo tay, cài 25 phút.
Trong 25 phút đó, tôi tập trung hết sức để cố gắng hoàn thành dứt điểm một việc duy nhất. Sau đó tôi break 5 phút, đi lại, chống đẩy, uống nước, đi vệ sinh, làm bất cứ thứ gì miễn là không ngồi trước màn hình.
Trong thời gian break, tôi cũng mường tượng 25ph tiếp theo tôi sẽ làm gì.
Dùng task tracker của công ty, thay vì của cá nhân
Nếu công ty bạn dùng Jira, Trello hay bất cứ phần mềm giao việc nào khác, hãy dùng chúng.
Tôi mắc sai lầm khi trong một thời gian dài khi thường dùng todoist cá nhân để quản lý công việc của công ty. Việc đó vừa khiến cho cấp trên không biết tôi đang làm gì, vừa khiến cho dữ liệu không được tập trung.
Ngoài ra việc dùng công cụ của công ty cũng giúp cho việc review performance dễ dàng hơn.
Viết docs, hãy luôn viết docs
Mỗi một thay đổi, dù nhỏ, hãy viết docs lại.
Một lần nữa, docs ở đây phải là docs của team, ai cũng có thể đọc được, chứ không phải docs trong file cá nhân của bạn.
Việc viết docs chăm chỉ không chỉ giúp bạn có được sự ghi nhận trong team, mà đó còn là nguồn tài liệu giúp cho các thành viên khác trong team tiết kiệm được thời gian.
Công việc về cơ bản là có tính chất lặp lại. Do đó, nếu bạn gặp một vấn đề mà đã có người giải quyết, và lại còn được ghi chú lại cẩn thận, thì bạn sẽ hoàn thành nó rất dễ dàng.
Kết luận
Tinh thần cuốn chiếu đang giúp tôi cảm thấy phấn chấn hơn rất nhiều trong công việc. Hi vọng đây sẽ là một gợi ý nhỏ để bạn đọc có thể áp dụng cho bản thân.