Chắc nhiều bạn đọc ở đây đều biết đến kênh Hiếu TV. Tôi cũng theo dõi kênh của anh ấy từ năm 2021 đến tận bây giờ.
Một trong những lời khuyên xuyên suốt từ Youtube cho đến các khoá học của anh ấy, là đầu tư thụ động vào thị trường chứng khoán bằng việc mua ETF.
Tôi cũng đang nghe theo lời khuyên đó. Tuy nhiên, vẫn còn một số thắc mắc. Do đó, tôi viết bài này, để đi tự giải đáp thắc mắc của bản thân.
Dưới đây là những câu hỏi tôi sẽ đi giải đáp trong bài viết này:
🤔 Việt Nam có bao nhiêu ETF?
📈 Hiệu suất sinh lời của ETF?
❓ Fire and forget đến bao giờ?
💥 Lỡ giá ETF giảm mãi thì sao?
<lưu ý: khảo sát bên trên là ẩn danh nên bạn yên tâm về tính riêng tư nhé>
🤔 Việt Nam có bao nhiêu ETF?
Hiện có 15 ETF được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.
So sánh một chút với các thị trường khác:
Thái Lan có 27 mã ETF
Singapore có 35 mã ETF
Nhật Bản có 235 mã ETF
Trung quốc có 1084 mã ETF
Mỹ có 3191 mã ETF
Trong tương lai khoảng 10 năm nữa, Việt Nam có lẽ sẽ giống Thái Lan, sẽ có khoảng gần 30 ETF.
Ngoài ra, còn có một số ETF được niêm yết trên các sàn nước ngoài như VanEck Vietnam ETF (VNM), Global X MSCI Vietnam ETF (VNAM) được niêm yết trên sàn New York; Fubon FTSE Vietnam ETF được niêm yết trên sàn Đài Loan.
📈 Hiệu suất sinh lời của ETF?
Thử so sánh hiệu suất sinh lời của ETF với tiết kiệm ngân hàng xem sao.
Trong số 15 mã ETF được niêm yết ở thị trường Việt Nam có mã E1VFVN30 của Dragon Capital được niêm yết sớm nhất vào ngày 06/10/2014. Mã này track 30 mã cổ phiếu có giá trị vốn hoá lớn nhất trên sàn HOSE. Do đó tôi sẽ chọn mã này để thực hiện phép so sánh.
📝 Kịch bản so sánh như sau: Đầu năm 2014, tôi dành ra 100 triệu để mua ETF E1VFVN30, 100 triệu để gửi tiết kiệm ngân hàng với kì hạn 1 năm, đến ngày đáo hạn lãi sẽ gộp gốc để tự động chuyển qua kì hạn mới. Kể từ đó, ngày 1/1 hằng năm tôi đều dành ra 100 triệu để mua ETF, và 100 triệu gửi tiết kiệm. Hỏi đến ngày 1/1/2024, tài khoản nào của tôi sẽ có số tiền lớn hơn?
Đầu tiên, cùng tính số tiền gửi tiết kiệm. Dữ liệu về lãi suất tôi có tham khảo ở trang này. Theo như bảng 1, đến đầu năm 2024, tài khoản tiết kiệm của tôi sẽ có 1 tỉ 363 triệu. So với số vốn 1 tỉ bỏ ra, tiết kiệm đạt hiệu suất 36,3%.
Tiếp theo là tính tài khoản chứng khoán. Tại mỗi lần mua ETF, tôi sẽ quan tâm đến giá của ETF lúc đó là bao nhiêu, và quy ra số ETF được nắm giữ. Tại một thời điểm, số tiền sẽ được tính bằng số ETF nhân với giá của ETF tại thời điểm đó. Theo như bảng 2, thời điểm đầu năm 2024 ra được kết quả là 1 tỉ 449 triệu. So với số vốn 1 tỉ bỏ ra, thì ETF đạt hiệu suất 44,9%.
Như vậy, trong khoảng 10 năm từ 2014 đến 2024, hiệu suất của ETF có nhỉnh hơn lãi suất ngân hàng một chút: 44,9% so với 36,3%.
Tuy nhiên đấy là năm 2024. Nếu như năm 2022 tôi bán sạch ETF, hiệu suất sẽ lên tới 84%. Còn nếu bán vào đầu năm 2023, thì hiệu suất chỉ là 21%!
❓ Fire and forget đến bao giờ?
Fire and forget - tức mua rồi để đấy, không quan tâm đến nó nữa.
Vậy forget đến bao giờ nhỉ? Anh Hiếu có khuyên là dùng ETF để tạo quỹ nghỉ hưu. Nếu một ngày nào đó giá của ETF tăng lên đến ngưỡng mà mà đủ để tôi nghỉ hưu, lúc ấy tôi sẽ “sell fast” - bán sạch ETF (hoặc phần lớn) để chuyển tiền sang tiết kiệm hoặc trái phiếu để lấy tiền trả lãi trang trải chi tiêu.
💥 Lỡ giá ETF giảm mãi thì sao?
Có thể lắm chứ. Chiến tranh, chính trị, thiên tai. Hoàn toàn có thể huỷ hoại tương lai kinh tế của một đất nước, nhất là nước nhỏ như Việt Nam.
Vậy thì đầu tư toàn thế giới, cả thế giới mà tèo thì chịu thôi chứ biết sao giờ.
Vanguard có mã FTSE Global All Cap Index Fund, đầu tư cả thế giới. Tuy nhiên Việt Nam không mua được, chắc phải tìm việc ở nước ngoài như Singapore. Lúc ấy sẽ được mở tài khoản ngân hàng bên Sing, được cấp mã Foreign Identity Number, khi ấy sẽ mua được ETF của Vanguard. Cái này thì tôi chưa kiểm chứng được, bạn nào đã hoặc đang làm bên Sing xác nhận giúp tôi với.
📢 Weekly shoutouts
Dạo này bạn bè xung quanh tôi viết càng ngày càng nhiều, tôi rất vui và hãnh diện vì điều đó. Shout outs đến tất cả các bạn.
Phuong Thao Nguyen on LinkedIn - cô gái này đang rất chăm chỉ viết bài về khoa học dữ liệu trên LinkedIn.
Casey Khuc on Casey nghĩ - bạn có nhiều bài viết hay như là bài “4 bài học về cách theo đuổi hoài bão bền vững”.
✌️ Tạm biệt
Chủ đề của tuần này kết thúc ở đây. Hẹn gặp lại độc giả vào giờ này tuần sau. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về bài viết, hãy để lại bình luận ở bên dưới nhé. Bạn cũng có thể kết nối với tôi thông qua LinkedIn hoặc Twitter.
bài này anh vẫn "nợ" Khánh =))
đúng là thời điểm "bán" là rất quan trọng, vì một năm thị trường có thể dao động rất mạnh (như so sánh của em khi bán tại thời điểm 2022, 2023 và 2024)
Tuy nhiên, anh add thêm một view nữa về tài sản. Vì sau việc bán thì còn một câu hỏi nữa "bán lấy tiền rồi để làm gì?"
Rõ ràng, khi mình chưa tự do tài chính, thì việc cần dòng tiền là có thật, nhưng sau khi có tự do tài chính rồi, thì mình không quá quan tâm đến dòng tiền (thu về) nữa, mà lúc đó consider công sức bỏ ra, tỷ suất sinh lời và độ an toàn vốn hơn. Xét theo khía cạnh này thì ETF là một kênh đầu tư THỤ ĐỘNG rất tốt.
Còn việc nó tự sinh lãi kép thì em đã có câu trả lời trong bài này rồi :D