Làm những điều mình không thích
Cách nói khác của tính kiên trì là làm những điều mà ta không thích
Tôi nghĩ là làm gì đủ lâu thì cũng có lúc chán.
Nhưng điều đấy không quan trọng. Quan trọng là lúc chán thì phải làm sao?
Lex Fridman
I don’t wanna do it, but I do it anyway
Tôi còn nhớ lần đầu nghe Podcast của Lex Fridman là cuộc trò chuyện với cha đẻ của ngôn ngữ lập trình Python - Guido Van Rossum. Sau đấy tôi thường xuyên nghe hơn, thường là về các chủ đề liên quan đến khoa học máy tính hoặc là jui jitsu.
Trong một video hiếm hoi, Lex có nói về một ngày làm việc của anh ấy. Có hai ý đọng lại trong đầu tôi mãi.
Ý đầu tiên là quan điểm về việc dùng mạng xã hội. Mạng xã hội chục năm trước, hay Short Video vài năm nay là những thứ rất dễ nghiện. Chỉ cần mất kiểm soát một chút, ta có thể rơi vào trạng thái scrolling hàng giờ đồng hồ, và khi nhận ra thì não cũng đã nhũn ra vì tiêu thụ quá nhiều mẩu thông tin rời rạc. Nhiều người, như tôi chẳng hạn, chọn cách không dùng mạng xã hội nữa. Khoá tài khoản facebook, xoá app TikTok là những biện pháp mạnh mà tôi đã làm để tự bảo vệ bản thân.
Tuy nhiên, Lex cho rằng việc hoàn toàn rời xa khỏi những thứ cám dỗ đó là điều quá dễ dàng. Cách khác powerful hơn và thể hiện được sự làm chủ lớn hơn, đấy là có dùng nhưng giới hạn thời gian. Lex mỗi ngày chỉ dùng mạng xã hội trong vòng 10 phút, và không bao giờ có ngoại lệ. Nói đến đây tôi mới liên tưởng đến bộ phim Chúa tể của những chiếc nhẫn. Cũng giống như chúa nhẫn, mạng xã hội mang trong mình sức mạnh to lớn, mà nếu không có bản lĩnh, ta sẽ dễ dàng bị nó thu phục và kiểm soát giống như anh chàng Gollum đáng thương.
Ý thứ hai là quan điểm về việc làm những thứ mà ta không thích. Lex nói “it’s almost like a machine, I just need to get the job done. That’s the way I think about it, and I feel good after that. I don’t wanna do it, but I do it anyway”.
Tôi hoàn toàn đồng ý với Lex, tôi cũng có một triệu ví dụ về chính bản thân mình để thấy rằng quan điểm trên là đúng như thế nào. Đầu tiên là đi ngủ sớm, cái thứ mâu thuẫn nhất trên đời này là ai cũng thích ngủ, nhưng chẳng ai muốn đi ngủ sớm. Cứ hôm nào ngủ được sớm, thì hôm sau với tôi sẽ là một ngày tuyệt vời. Thứ hai là chuyện học Space Repetition. Mỗi ngày tôi dành ra khoảng 30 phút để học tiếng Trung trên phần mềm Anki. Hồi mới đầu tôi còn cảm thấy phấn chấn, nhưng sau một thời gian bắt đầu có nhiều kháng lực chống lại việc tôi mở app ra và học. Tuy nhiên tôi biết miễn là tôi chịu ngồi xuống 30ph, tôi sẽ cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm sau đó, và tất nhiên nó cũng rất tốt cho trí nhớ dài hạn của tôi.
Thầy Nguyễn Thành Nam
Giảng viên Vật Lý của tôi hồi còn học đại học cũng thường xuyên chia sẻ quan điểm cá nhân trên mạng xã hội. Thầy Nam đã nhiều lần nói về chủ đề “đam mê”. Thầy nhấn mạnh rằng phải rất cẩn thận vì đôi khi đam mê, hay sở thích chỉ là những thứ nhất thời. Có khi ta tưởng ta thích làm cái này hơn, nhưng thực ra không phải là như vậy, mà nó chỉ là cảm giác thoả mãn trong giai đoạn đầu của định luật “Diminishing of return” mà thôi.

Tôi nghĩ rằng, giai đoạn hai trong định luật “Diminishing of return” - “Hiệu suất giảm dần” là giai đoạn đã đánh gục ý chí của rất nhiều người. Lúc này muốn thoát ra khỏi đường đi ngang của sự tiến bộ, buộc phải có một kế hoạch rõ ràng và quan trọng phải thể hiện được “progressive overload”. Thay vì đến phòng gym và nâng mức tạ giống hệt như ngày hôm trước, thì hãy thêm mỗi bên bánh tạ 0,5kg. Thay vì đến phòng tập JuiJitsu rồi rolling tự do, thì hãy bắt đầu từ vị trí trí bị pin và tập escape. Thay vì muốn bỏ ngành AI, hãy thử cho bản thân “overload” một chút bằng cách viết bài về một vài chủ đề thú vị của AI, hay thử làm một ứng dụng đơn giản mà cool ngầu?
Khi đã có plan, đã theo plan, đã thấy “overload” mà không thấy “progressive”, thì lúc đó nghĩ lại vẫn chưa muộn.
Kết bài
Plot twist: Tôi viết bài này để tự động viên bản thân giữ được tính kiên trì trong việc duy trì một bài mỗi tuần trên Blog này.
🤭🤭🤭