Xin chào độc giả trên trang Blog của Khánh 👋
Trong bài viết tuần này, tôi sẽ tiết lộ bộ công cụ (chủ yếu là các phần mềm) mà tôi đang thường xuyên sử dụng trong học tập và làm việc.
Có khoảng 20 công cụ sẽ được tôi đề cập tới, chúng được chia thành 4 mục như sau:
💼 Personal Productivity - các công cụ giúp nâng cao hiệu quả làm việc
⼰ Self-improvement - các công cụ giúp tôi tự cải thiện bản thân mỗi ngày
✍️ Content Creator - các công cụ giúp việc sáng tạo nội dung dễ dàng hơn
🧑💻 Dev Tools - các công cụ không thể thiếu của một kỹ sư phần mềm
Nào chúng ta cùng bắt đầu👇
⚠️ Đừng quá lạm dụng công cụ
Trước khi đi vào phần chính của bài viết, tôi xin được nói một chút về quan điểm sử dụng công cụ.
As to methods there may be a million and then some, but principles are few. The man who grasps principles can successfully select his own methods. The man who tries methods, ignoring principles, is sure to have trouble. - Ralph Waldo Emerson.
Có triết gia người Mỹ đã từng nói rằng một Principle (nguyên tắc) thì có thể có nhiều Method (phương pháp). Nay tôi bổ sung thêm một vế nữa, là một Method (phương pháp) thì cũng có thể có nhiều Tool (công cụ).
Do đó, khi sử dụng một công cụ, điều quan trọng không phải là công cụ đó xấu đẹp thế nào, được ai gợi ý, nhiều người dùng không, mà quan trọng là công cụ đó đang được dùng trong phương pháp nào, giải quyết vấn đề gì trong phương pháp đó.
Nếu nắm được điều đó, chúng ta sẽ tránh được việc dùng quá nhiều công cụ cho cùng một việc, hoặc là chẳng biết một công cụ gì để mà dùng.
💼 Personal Productivity
🎯 Quản lý mục tiêu với Google Spreadsheet
Sống cần có mục tiêu. Đấy là nguyên tắc. Còn vì sao lại như thế, thì mời bạn đọc nghe mấy video của anh Hiếu Ti Zi đã giải thích rất cặn kẽ:
Tuy nhiên, trong các video đó anh Hiếu không đề cập đến phương pháp thiết lập mục tiêu ra sao. Với cá nhân tôi, phương pháp thiết lập mục tiêu mà tôi đang dùng là OKRs.
Và công cụ tôi đang dùng để quản lý là Google Spreadsheet. Cách này cũng được chính Google áp dụng cho việc thiết lập mục tiêu cho nhân viên và đội nhóm của họ.

📋 Quản lý công việc với Todoist & Google Calendar
Thường thì một ngày sẽ có 2 loại công việc.
Loại thứ nhất là có công việc có time boundaries, ví dụ:
7:00 - 9:00 - Lên lớp tập JiuJitsu
10:00 - 10:15 - Họp mặt đầu tuần
16:30 - 17:30 - Họp cập nhật tiến độ dự án X
Loại thứ hai là công việc không bị giới hạn bởi time boundaries, miễn là trong ngày hôm đó hoàn thành là được, ví dụ:
Cài đặt Sentry cho phần code backend
Đi thay dầu nhớt xe máy định kì
Chúc mừng sinh nhật Jon
👉 Đối với loại thứ nhất, tôi dùng Google Calendar. Còn với loại thứ hai, tôi dùng Todoist.
Ngoài ra, tôi còn dùng Todoist cho việc capture thông tin. Bất cứ khi nào trong đầu tôi có một ý tưởng gì đấy, hay khi tôi có một task nào đấy, tôi sẽ ghi ngay vào hòm thư Inbox của Todoist. Todoist chính là công cụ để tôi hiện thực hoá bước Capture trong cả hai phương pháp Getting Things Done và Second Brain.
⚛️ Các phần mềm khác
LastPass - Đây là phần mềm quản lý mật khẩu và các thông tin cá nhân tôi đã dùng được khoảng hơn 3 năm nay. Nếu bạn đọc chưa dùng bất kỳ một phần mềm quản lý mật khẩu nào, thì tôi khuyên chân thành bây giờ là lúc dùng vẫn chưa muộn.
Pasty - Một trong những tác vụ mà tôi dùng nhiều nhất khi làm việc, đấy là copy và paste. Tuy nhiên, với tính năng có sẵn của hầu hết các máy tính, tôi chỉ có thể copy được một nội dung duy nhất tại một thời điểm. Pasty giúp tôi có thể copy nhiều nội dung cùng một lúc.
Rocket - Không biết bạn đang tìm Emoij trên máy Mac kiểu gì? Tôi thì có hai cách, hoặc là dùng tính năng có sẵn của máy Mac (tổ hợp phím Ctrl + Alt + Space), hoặc dùng phần mềm Rocket.
MonitorControl (chỉ có trên MacOS) - Nếu ai đang dùng màn hình rời, có lẽ sẽ gặp vấn đề trong chuyện chỉnh ánh sáng. Với MonitorControl, việc chỉnh ánh sáng trên các monitor trở nên siêu dễ dàng.
⼰ Self-improvement
📖 Đọc sách với Kindle và Raindrop.io
Kindle - Tôi dùng phần mềm Kindle để đọc sách. Tôi cài Kindle trên tất cả các thiết bị, để bất cứ khi nào, bất cứ đâu tôi cũng có thể tiếp tục đọc được những phần mà tôi đang đọc dở.
Goodreads.com - Kindle của Amazon, Goodreads cũng vậy. Đây là nơi để viết và xem review về các cuốn sách. Nếu bạn cũng đang dùng GoodReads, thì có thể connect với tôi ở đây nhé.
Raindrop.io - Khi lưới web, đôi khi tôi sẽ gặp một ý rất tâm đắc mà tôi muốn lưu lại. Lúc này tôi có 2 lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất, là tôi mở Todoist ra và save vào hòm thư inbox. Cách này lúc trước tôi vẫn dùng. Tuy nhiên, dạo gần đây tôi sử dụng thêm một công cụ nữa, giúp cho việc lưu highlight dễ hơn nhiều, công cụ ấy có tên là raindrop.io. Với công cụ này, tôi chỉ cần bôi highlight đoạn text, click chuột phải rồi bấm lưu lại là xong. Các thao tác hoàn toàn ở trong trình duyệt, không phải mở app bên ngoài.
📝 Ghi nhớ dài hạn với Anki
Anki là phần mềm mã nguồn mở, được phát triển dựa trên phương pháp học lặp lại Space Repetition.
Điểm vượt trội của Anki so với các tool khác là khả năng tuỳ chỉnh gần như không giới hạn. Có hẳn một danh sách Anki Awesome chứa link đến các plugins, các decks có sẵn mà bạn có thể sử dụng được luôn.
Một số plugin mà tôi đang dùng:
Anki Connect - cung cấp API cho phép tương tác với dữ liệu.
Genanki - thư viện viết bằng Python cho phép tạo Anki decks bằng lập trình.
🧠 Sơ đồ tư duy với Mindomo
Tôi còn nhớ lần đầu biết đến sơ đồ tư duy là từ hồi còn học cấp 2. Khi ấy, anh trai tôi - lúc bấy giờ đang học cao đẳng trên thành phố - mang về cho tôi quyển sách tên là “Tôi tài giỏi bạn cũng thế” 🤣.
Quê tôi hồi ấy không có internet, nên những gì được mang về từ thế giới thành thị thực sự làm tôi cảm thấy như “bừng nắng hạ”. Mặc dù, thời gian qua đi, nhận thức về cuốn sách cũng khác đi, nhưng điều chưa bao giờ thay đổi trong tôi đấy là ấn tượng về việc sử dụng sơ đồ tư duy.
Mindomo có cả phiên bản web dùng online, và app dùng được cả khi offline. Ngoài ra, còn có một tool nữa tương tự có tên XMind, bạn đọc cũng có thể tham khảo.
~~
1 phút lạc đề: Không biết bạn có để ý đến cái emoij (⼰) tôi chọn cho phần self-improvement này không? Nó là một chữ trong tiếng Trung, bính âm là (jǐ), đọc là Kỷ, tiếng việt nghĩa là “sở hữu”, tiếng anh là “self”. Mấy từ như tự kỷ, ích kỷ đều liên quan đến chữ này. Ngoài ra, Kỷ cũng là một trong 10 thiên can. Nên ai có năm sinh kết thúc bằng số 9 như là 1999, 1989 thì năm sinh âm lịch cũng có chữ Kỷ. Tuần trước tôi có viết một bài kể về trải nghiệm của tôi với quá trình học tiếng Trung, cũng thú vị lắm đấy!
✍️ Content Creator
Kể từ khi viết bài đều đặn hàng tuần, tôi đã học được rất nhiều kĩ năng mới, phương pháp mới, cùng với đó là rất nhiều công cụ mới. Dưới đây là một số công cụ mà tôi thường xuyên sử dụng:
Canva.com - Làm thumbnail, làm ảnh động gif, làm hiệu ứng animation tất cả tôi đều làm hết trên Canva. Tôi đặc biệt thích tính năng tạo hiệu ứng Morph. Bạn có thể xem chị này hướng dẫn. Hoặc là xem tôi thuyết trình về lịch sử máy tính, cũng dùng Canva để làm slide.
Substack.com - Dĩ nhiên rồi, không thể không nhắc đến Substack. Ngoài tính năng chính là để viết, Substack còn có nhiều tính năng khác như chèn Voice Over, hay làm Podcast. Trong tương lai, tôi sẽ đưa dần những tính năng đó vào trong blog của mình.
Namecheap.com - Tôi mua tên miền trên Namecheap vì nó rẻ. Tên miền lequockhanh.com của tôi cũng được mua ở trên này.
CloudFlare Page - Nếu bạn truy cập vào tên miền lequockhanh.com của tôi, bạn sẽ thấy một cái website xấu hoắc mà tôi tự code thuần bằng HTML. Những trang web như thế gọi là web tĩnh - static web. Có rất nhiều dịch vụ hỗ trợ việc dựng lên một trang web tĩnh hoàn toàn miễn phí như là Github Pages, Netlify, Vercel, vv. Còn tôi thì lựa chọn CloudFlare Pages, do tôi còn dùng nhiều dịch vụ khác của CloudFlare.
OBS - Open Boardcaster Software là một phần mềm mã nguồn mở giúp cho việc live stream rất dễ dàng. Tôi dùng OBS để phát sóng trực tiếp lên Youtube.
🧑💻 Dev Tools
Cuối cùng không thể thiếu là những công cụ phục vụ cho công việc chính của tôi - một kỹ sư phần mềm.
VSCode - Phần lớn thời gian là tôi làm việc trên VSCode. Không những miễn phí, VSCode còn có bộ thư viện plugin cực kỳ phong phú. Dạo gần đây, tôi có sử dụng 2 plugin là SSH Remote, và Dev Container. Hai plugin này đã hoàn toàn thay đổi cách tôi lập trình bấy lâu nay.
Tmux - Công cụ dành nhiều thời gian thứ hai sau IDE, đó là terminal. Và phần mềm tôi đang sử dụng để quản lý terminal đó là Tmux.
Cloudflare 1.1.1.1 - Như tôi đã đề cập ở phần trước, tôi dùng khá nhiều sản phẩm của Cloudflare. Cloudflare 1.1.1.1 giúp bypass việc bị chặn DNS queries từ các nhà mạng.
Cloudflare ZeroTrust - Tôi thường dùng tính năng mở Tunnel của Cloudflare ZeroTrust. Khi ấy tôi có thể đưa một service chạy dưới máy local có thể được access trên internet, nhưng vẫn đảm tính bảo mật nhờ lớp xác thực của CloudFlare.
Lens - Nếu ai làm việc nhiều với Kubernetes chắc hẳn không còn xa lạ gì với phần mềm này. Lens cung cấp giao diện trực quan để kết nối đến các K8S cluster.
📢 Weekly shoutouts
Dưới đây là một vài bài viết thú vị mà tôi đã đọc được trong tuần vừa rồi.
Quản lý công việc với phương pháp Gettings Thing Done by Tuanmon on Tuanmon.com - Bài viết có tính thực tế cao trong quá trình áp dụng phương pháp Gettings Thing Done trong quản lý công việc.
Cách Di tích Nhà tù Hoả Lò làm truyền thông by Thanh-Huyen Pham on minj 4dult - Tôi rất thích những hình vẽ trong bài viết này.
✌️ Tạm biệt
Chủ đề của tuần này kết thúc ở đây. Hẹn gặp lại độc giả vào giờ này tuần sau. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về bài viết, hãy để lại bình luận ở bên dưới nhé. Bạn cũng có thể kết nối với tôi thông qua LinkedIn hoặc Twitter.
Bài viết tâm huyết quá :frog-love:
Tác giả có thể viết vài chia sẻ về quá trình làm ở big-tech được khum? Ví dụ như là học được gì, trải nghiệm như nào, etc.
Cám ơn bài viết của bạn!