Tuần này nước Việt mình trải qua một sự kiện rất buồn. Tôi cũng không dám đọc nhiều hay xem nhiều báo đài vì tôi biết cứ hễ nhìn thấy ảnh cụ là tôi lại xúc động rưng rưng. Giờ thì cụ có thể lên gặp Bác Hồ, Bác Giáp rồi, ngồi uống trà, cũng vui.
Mong những người nối tiếp sẽ tiếp tục phát triển được những di sản mà cụ đã để lại.
Quay trở lại chủ đề chính, tuần này tôi có đọc được một bài nghiên cứu khá thú vị về việc con người sử dụng thời gian ra sao. Xin phép được chia sẻ lại với độc giả.
► Time Use - Esteban Ortiz-Ospina, Charlie Giattino and Max Roser
Mỗi người đều có 24h mỗi ngày. Tuy nhiên việc sử dụng 24h đồng hồ đó ra sao lại rất khác biệt ở từng đất nước, từng độ tuổi, hay từng ngành nghề. Bài nghiên cứu của ourworldindata.org cho chúng ta thấy một vài insights khá thú vị.
Người Trung Quốc dành thời gian cho học tập và làm việc gấp đôi người Ý
Thời gian một ngày của mỗi người được chia thành các mục sau:
Đi làm có lương
Đi làm không lương
Đi học
Ngủ
Làm việc nhà & mua sắm
Chăm sóc cá nhân
Ăn uống
Giải trí & gặp bạn bè
Sở thích cá nhân
Trong đó, phân nửa thời gian của một ngày chúng ta dành cho việc ngủ và đi làm. Người Trung Quốc dành ra trung bình hơn 5 tiếng mỗi ngày để làm việc, trong khi người Ý thì chỉ là 2 tiếng. Người Mexico đặc biệt thích làm việc nhà và mua sắm, trong khi người Na Uy thì có rất nhiều thời gian rảnh. Việt Nam không có trong danh sách này, nhưng tôi tin là cũng sẽ có thống kê tương tự như người Trung Quốc.
Tìm việc là công việc kém thú vị thứ hai chỉ sau làm bài tập về nhà
Báo cáo này còn cho ta thấy những công việc nào được phần đông cho là thú vị, và ngược lại, những công việc nào là được cho là kém thú vị nhất. Không nằm ngoài dự đoán, làm bài tập về nhà, và tìm kiếm công việc mới là hai việc được cho là nhàm chán nhất.
Nói riêng về chuyện tìm việc, bản thân tôi không coi đó là chuyện kém thú vị, mà tôi coi đó là chuyện khó quyết định. Do đó, mấy tuần trước tôi có viết một bài về cách làm sao để hệ thống hoá chuyện nghỉ việc. Mời bạn đọc tham khảo.


Càng về già, thời gian chúng ta dành cho bản thân, và cho bạn đời càng ngày càng nhiều hơn; Trong khi đó thời gian dành cho đồng nghiệp và con cái ngày càng ít lại
Cuối cùng là một insight mà tôi cho là “đắt” nhất trong bài báo cáo này: đó là về việc cuộc đời mỗi người dành thời gian cho những ai. Khi còn bé, ta dành phần lớn thời gian cho gia đình. Bắt đầu đi học, ta dành thời gian cho bạn bè nhiều hơn. Bắt đầu đi làm ta dành thời gian cho đồng nghiệp là chủ yếu. Còn khi về già, ta dành hầu hết thời gian cho chính bản thân ta và cho người bạn đời của ta.
Rõ ràng là xuyên suốt cả một đời, thời gian ta dành cho chính mình vẫn luôn là nhiều nhất. Do đó, việc phát triển bản thân, cả thể chất, tinh thần, kĩ năng, lẫn tư duy luôn là quan trọng nhất. Tôi vẫn luôn tự tưởng tượng rằng nếu một ngày, tôi bị dạt ra ngoài đảo hoang như Robinson, thì tôi sẽ cần phải chuẩn bị những gì để sống nốt phần đời còn lại.
✌️ Tạm biệt
Chủ đề của tuần này kết thúc ở đây. Hẹn gặp lại độc giả vào giờ này tuần sau. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về bài viết, hãy để lại bình luận ở bên dưới nhé. Bạn cũng có thể kết nối với tôi thông qua LinkedIn.
anh thấy mấy insight về những hoạt động thú vị khá hay. có mấy hoạt động anh cũng thích: chơi với con, tập thể thao, xem phim, đi nghe nhạc -> rất chuẩn.
vụ insight về thời gian dành cho mối quan hệ có mis leading không nhỉ? vì nhìn vào đó chỉ thấy câu chuyện là về già mình dành thời gian cho bản thân nhiều nhất. Dù gì thì có lẽ trong đạo Phật có "Kinh Người Biết Sống Một Mình" -> có thể tìm hạnh phúc khi ngay cả một mình thì có thể tìm hạnh phúc ở bất cứ đâu